CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TRONG THỰC HIỆN CHỨC NĂNG BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thứ năm - 11/05/2017 16:39 2.525 0
Về bản chất, chức năng của công đoàn mang tính khách quan, nó tồn tại không phụ thuộc vào sự áp đặt từ bên ngoài hay ý chí, nguyện vọng chủ quan của mỗi đoàn viên, nó được xác định bởi tính chất, vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn. Trên thực tế, không nên nhận thức máy móc, cứng nhắc về chức năng của công đoàn. Bởi vì, cùng với sự phát triển của xã hội, chức năng của công đoàn cũng có sự bổ sung và phát triển.
CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TRONG THỰC HIỆN CHỨC NĂNG BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Sự bổ sung, phát triển các chức năng của công đoàn không có nghĩa là phủ định, từ bỏ những chức năng đã có mà thực chất là làm phong phú thêm các chức năng; đồng thời tránh sa vào tư tưởng nóng vội, phủ định một cách vô căn cứ những chức năng của công đoàn đã được thử thách qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam.
 

Chức năng của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội khác hẳn về chất với việc bổ sung nhiều chức năng mới. Sự khác nhau đó là do giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn có vị trí, vai trò quan trọng trong hoàn cảnh lịch sử mới. Các chức năng chính bao gồm:
Chức năng tham gia quản lý: Thực hiện chức năng tham gia quản lý không có nghĩa là công đoàn làm thay hay can thiệp, làm cản trở công việc quản lý của Nhà nước. Tham gia quản lý là thể hiện quyền của công đoàn, của người lao động trong điều kiện chính quyền đã thuộc về nhân dân lao động. Đồng thời, tham gia quản lý chính là thiết thực bảo vệ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của công nhân, của tập thể và của Nhà nước một cách căn bản từ gốc và có hiệu quả, phát huy vai trò tham gia quản lý của công đoàn.
Để thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý, công đoàn cần đẩy mạnh những nội dung hoạt động cụ thể như sau:
+ Tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi trong công nhân, viên chức và người lao động là biện pháp tổng hợp nhất để họ trực tiếp tham gia quản lý. Vận động, tổ chức công nhân, viên chức và người lao động tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ công tác, tham gia quản lý lao động, tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho công nhân, viên chức và lao động.
+ Công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng của công nhân, viên chức và người lao động.
+ CÔng đoàn tham gia trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế quản lý mới.
+ Công đoàn tham gia trong việc quản lý vật tư, kỹ thuật, tài chính nhằm giảm mức tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm.
+ Công đoàn tham gia trong việc xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động.
+ Công đoàn tham gia tổ chức hội nghị cán bộ công chức và đại hội công nhân viên chức, lao động hàng năm.
Để thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý, công đoàn cần chú trọng đến việc phát huy tiềm năng của người lao động, phát huy sáng kiến, cùng lãnh đạo doanh nghiệp tìm nguồn vốn, thị trường để mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp nhằm chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
Chức năng giáo dục: Một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện chức năng giáo dục của công đoàn là làm cho người lao động nhận thức đầy đủ về lơi ích cá nhân phải gắn liền với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích chung của công đồng. Muốn có lơi ích phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Từ đó, củng cố kỷ luật lao động, không ngừng học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác trong lao động, công tác.

Nội dung chức năng giáo dục của công đoàn trong giai đoạn hiện nay cần được mở rộng theo hướng toàn diện, nhất là truyền bá lý luận Mác – Leenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tình hình quốc tế và khu vực; giáo dục pháp luật, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo dức mới cho công nhân, viên chức và người lao động.

Chức năng bảo vệ lợi ích của người lao động: Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài,… được khuyến khích hoạt động làm cho xu hướng thay đổi cơ cấu giai cấp công nhân rõ nét, số lượng công nhân khu vực ngoài nhà nước có xu hướng tăng lên. Quan hệ chủ thợ, tình trạng bóc lột, ức hiếp người lao động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ và có xu hướng phát triển.

Theo thống kê, năm 2008 cả nước xảy ra 720 cuộc đình công, nhiều hơn năm 2007 là 169 cuộc. Xu hướng chung cho thấy các cuộc đình công chỉ diễn ra ở loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 584 cuộc (81%), còn lại là doanh nghiệp dân doanh 136 cuộc, chiếm 19%.
Hầu hết các cuộc đình công là vì mục đích kinh tế, phát triển theo phản ứng dây chuyền và đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh, thành: từ 19 tỉnh, thành năm 2007 đã tăng lên 31 tỉnh, thành năm 2008. Đã có những cuộc đình công mang dấu hiệu manh động như đập phá máy móc, nhà xưởng, đe dọa chủ doanh nghiệp và những người không tham gia đình công.

Có những vấn đề mới đặt ra trong các cuộc đình công gần đây mà chúng ta cần hết sức cẩn trọng, nhất là đối với tổ chức công đoàn vì ở đó đã xuất hiện việc giăng biểu ngữ, phát tờ rơi kêu gọi đình công, tẩy chay cán bộ công đoàn!!! Đây chính là cơ hội để các thế lực thù địch tuyên truyền, chống phá và làm phai nhạt vị trí, vai trò ủa công đoàn trong mắt người lao động. Vì vậy, thực hiện tốt chức năng trung tâm là bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức và người lao động của công đoàn càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để làm tốt chức năng này, theo chúng tôi, cần chú ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, trong cơ chế mới của nền kinh tế, cần nhìn nhận tổ chức công đoàn theo một quan điểm mới. Hiện nay, công đoàn không thuần túy là “cầu nối” của Đảng đến giai cấp công nhân mà còn là đại diện thực sự của công nhân, là “đệm giảm sốc” cho những va chạm, xung đột phát sinh trong quan hệ xã hội giữa một bên là giai cấp công nhân – người lao động với một bên là giới chủ - người sử dụng lao động.

Thứ hai, cần nhận thức lại mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động không phân biệt là trong doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước. Phát triển nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi căn bản về quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, giữa chủ và người lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quan hệ này được thể hiện qua một số khía cạnh sau:
+ Công tác tuyển dụng và đào tạo công nhân đối với các doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua nhìn chung số công nhân không tăng, tuyển dụng ở đây chủ yếu chỉ tuyển dụng để thay thế số lao động hiện có về nghỉ chế độ, chuyển công tác hoặc tuyển dụng cho những ngành nghề còn thiếu lao động. Công tác đào tạo ở khu vực này tuy đã được quan tâm nhưng chưa có điều kiện phát triển mạnh, do việc sắp xếp lại sản xuất kinh doanh và không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa có điều kiện chi kinh phí cho đào tạo. Đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước, công tác tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ phương thức, trình tự tuyển dụng lao động đã được quy định. Chỉ có 10% công nhân được tuyển dụng thông qua các chương trình đào tạo, còn lại doanh nghiệp tự tuyển dụng lao động và tự đào tạo với thời gian chỉ khoảng 2 – 3 tháng nên trình độ chuyên môn cũng như ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp của công nhần còn nhiều hạn chế.
+ Việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động trong các khu vực còn khác biệt lớn, ở khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt tỉ lệ gần 95%, còn ở khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt từ 20%-30% và chủ yếu là hợp đồng lao động có xác định thời gian, hoặc ngắn hạn, mặc dù công việc mang tính thường xuyên. Tỷ lệ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể có tăng nhưng vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước; thời gian làm việc, nghỉ ngơi tuy được Bộ Lao động quy định nhưng nhiều doanh nghiệp còn vi phạm. Do vậy, đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn chung còn chịu nhiều bất công; đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công chủ yếu diễn ra ở khu vực này.

Thứ ba, một số cấp ủy và cán bộ lãnh đạo chưa thấy được tầm quan trọng vai trò của công đoàn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đội ngũ công nhân trong các thành phần kinh tế ngày một tăng lên rõ rệt, nhất là đội ngũ công nhân trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đời sống của công nhân và hoạt động của tổ chức công đoàn lâm vào tình trạng rất khó khăn trong việc vận động người lao động vào tổ chức công đoàn. Công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang bị đối xử hết sức bất công. Tình trạng nhà ở, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ lao động, nghỉ ngơi; vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn, trong khi đó tổ chức công đoàn hoặc không có, hoặc có nhưng đang bị tê liệt.

Thứ tư, nhận thức của nhiều cấp ủy, đảng viên về công đoàn chưa sâu sắc và đầy đủ, do đó khi đánh giá nhận xét về công đoàn thường nặng về phên phán, nhất là khi cơ sở có công nhân đình công, lãn công. Trong công tác tổ chức, có nhiều cơ sở Đảng không cơ cấu cán bộ, đảng viên là lãnh đọa công đoàn.
Việc xây dựng chương trình về công tác công đoàn còn thiếu sự vận dụng sáng tạo, không ít cấp ủy đảng đề ra chương trình một cách chung chung, đại khái, thiếu các giải pháp cụ thể; thậm chí còn coi công tác vận động công nhân làm nhiệm vụ riêng cùa tổ chức công đoàn. Ngược lại, có nơi cấp ủy lại “lấn sân” dẫn đến tình trạng “cầm tay chỉ việc” cho công đoàn, không tôn trọng tính độc lập , lao động sáng tạo của công đoàn.
Chính quyền nhiều nơi thiếu quan tâm và chưa tạo điều kiện để cho công đoàn hoạt động hiệu quả; một số chủ trương về công tác công đoàn còn chậm cụ thể hóa thành chính sách, cơ chế để tạo động lực và điều kiện nhằm phát huy tiềm năng của công nhân, viên chức và người lao động. Chưa giám sát việc thi hành Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn ở một số đơn vị ngoài quốc doanh, dẫn đến tình trạng “trắng” công đoàn trong các đơn vị này..

Thứ năm, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn còn chưa được quan tâm đúng mức do đó dẫn đến tình trạng hụt hẫng, chắp vá. Vẫn còn cách nghĩ cán bộ công đoàn không đòi hỏi nhiều về năng lực, nên bố trí những cán bộ không có khả năng chuyên môn hoặc những cán bộ chờ nghỉ chế độ làm công tác công đoàn. Điều này làm cho uy tín và vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng bị suy giảm. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công đoàn không có, làm cho không ít cán bộ công đoàn không an tâm phục vụ. Chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ cấn bộ công đoàn khi họ đấu tranh cho quyền lợi người lao động mà bị giới chủ trù dập, chuyển công tác, thậm chí còn cho nghỉ việc.
Ở một số đơn vị, tính chủ động, tích cực của Ban chấp hành công đoàn chưa cao, còn thụ động và trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chưa tham mưu đề xuất những vấn đề về hoạt động của công đoàn và các phong trào của công nhân, viên chức, lao động một cách thiết thực.
Công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho người lao động chưa được cấp ủy và công đoàn quan tâm đúng mức làm cho người lao động thiếu những thông tin và nhận thức sai lệch về nhiều vấn đề chính trị - xã hội đang nảy sinh trong cuộc sống.
Vì vậy, thực hiện đồng bộ các chức năng của công đoàn, trong đó chú trọng chức năng trung tâm là bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức và người lao động của công đoàn trong giai đoạn hiện nay càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để bảo vệ lợi ích của họ, công đoàn tham gia cùng tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức và người lao động; công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, vấn đề nhà ở; trong việc ký hợp đồng lao động của công nhân, người lao động; đại diện công nhân, người lao động ký thỏa ước lao động tập thể; tham gia thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động; tổ chức đình công theo Bộ luật Lao động. Quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi tập thể; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hộ lao động; tổ chức đình công theo Bộ luật Lao động. Quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi tập thể; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hộ lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công nhân, viên chức và người lao động; phát huy dân chủ, bình đẳng, công bằng xã hội, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng,…


Trong quá trình thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động, công đoàn cần nhận thức và giáo dục đầy đủ và sâu sắc đến mỗi đoàn viên các vấn đề cơ bản như: Lợi ích của người lao động phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của tập thể, phải hài hòa với lợi ích của người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển vững mạnh của Nhà nước chính là đảm bảo được lợi ích người lao động. Nhà nước là người đảm bảo lợi ích, doanh nghiệp và người lao động tạo ra lợi ích, công đoàn là người bảo vệ lợi ích. Đấy là quan hệ biện chứng, khăng khít giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng thời, nó là cơ sở quan trọng để công đoàn ngày càng gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay857
  • Tháng hiện tại17,851
  • Tổng lượt truy cập2,361,169
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây