SOS BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Thứ ba - 31/07/2018 13:25 1.606 0
Hoạt động của con người đang đe dọa nghiêm trọng sự sống trên hành tinh. Hơn 99% sự tuyệt chủng thời cận đại là do con người gây ra. Hãy cân nhắc lại những đầu tư cho môi trường, đa dạng sinh học trước các hiểm họa khi chưa quá muộn. Lạm dụng thiên nhiên có thể… mất hết.
Vượn ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh)
Vượn ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh)


Vượn chết vì … dây điện


Một con vượn quý bị điện giật chết trên đường dây trung thế 22KV chạy ngang qua Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh) mới đây được lực lượng kiểm lâm Vườn này phát hiện là một đáng tiếc, do đường dây này không được cách điện. Số lượng vượn còn lại trong vườn vốn còn rất ít mà năm nào cũng có một vài con vật quý hiếm trong Vườn bị điện giật chết, bao gồm cả vượn, khỉ, sóc bay, chim, rắn… nhất là loài vượn thường leo trèo, gây thiệt hại đa dạng sinh học, đồng thời còn gây sự cố chập điện, ngắt mạch điện ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc VQG cho biết, lãnh đạo Vườn đã nhiều lần bàn bạc với ngành điện thay đổi đường dây nhằm đảm bảo an toàn cho các loài động vật, nhưng vẫn chưa tiến hành được do khó khăn về kinh phí. Theo tính toán của ngành điện Tây Ninh, cứ mỗi km đường dây trung thế bọc nhựa được thay thế sẽ tốn khoảng 1 tỷ đồng, trong khi đoạn đi qua trung tâm VQG có chiều dài khoảng 3km.
Biện minh này cũng đau lòng như ở một số VQG nước ta dù biển đỏ "cấm săn bắn, chặt phá rừng” đặt khắp nơi nhưng lâm tặc chuyên nghiệp và dân ở đây vẫn ngang nhiên đốt cây, chặt phá rừng và đặt bẫy săn chim thú. Cuối tháng 9 vừa qua, một đàn voi rừng đông đúc về gần phố huyện thị trấn Ea Sup (Đăk Lăk) phá nát rẫy của dân, phải đốt lửa xua mới chịu bỏ vào rừng sâu.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất gần 26.000ha rừng trong đó rừng trồng cao su chiếm gần 47%. Theo Tổ chức WAR, tại Việt Nam, gần 4 năm qua có tới 28 con voi rừng và 10 con voi nhà đã chết và thường bị sử dụng làm đồ trang sức, đẩy loài voi ở Việt Nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong thập kỷ tới.

"Voi châu Á” vào nhà trường


Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Sở GD&ĐT, Chi Cục Kiểm lâm TP.HCM vừa khởi động chương trình SOS năm học 2013 – 2014 với chủ đề "Voi châu Á”. Khoảng 30.000 học sinh quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân và Gò Vấp năm học này sẽ được tham quan Triển lãm Lưu động SOS với hai hợp phần mới là học sinh và giáo viên tham quan Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi và Tích hợp giáo dục bảo vệ động vật hoang dã vào môn sinh học lớp 7.
Những hình ảnh tàn sát voi và đốt rừng nguyên sinh nhiệt đới thường thu hút sự chú ý của mọi người. Những vấn đề lớn hơn như mất đa dạng sinh học, sự mất mát rất khó cứu vãn, thậm chí không thể, là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều nhưng lại khó thấy. Đó có lẽ là lý do khiến kinh phí bọc dây điện trần mới khó khăn thế. Và không nhiều địa phương đưa được chương trình SOS vào nhà trường như ở TP.HCM.
Chặt phá rừng ngập mặn bừa bãi, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản không được kiểm soát, cộng thêm những hoạt động quy hoạch thiếu hợp lý như đắp đập, ngăn sông, chuyển đổi đất ngập nước, sản xuất gây ô nhiễm đã và đang thu hẹp diện tích và đe dọa đến đa dạng sinh học của những cánh rừng ngập mặn, các vùng đất ngập nước, bãi bồi ven biển.

Chúng ta cần nhau


Phải cần hàng tỷ năm tiến hóa mới có được thế giới như ngày hôm nay, trong đó sự thịnh vượng của một loài gắn chặt với sự thịnh vượng của vô vàn các loài khác. Một nghiên cứu ở Công viên quốc gia hoàng gia Isle là một ví dụ.
Mùa đông có tuyết đã khiến loài sói đi săn theo bầy lớn và nhờ vậy chúng đã giết được nhiều nai hơn. Sự sụt giảm các loài nai đã làm cho cây linh sam non được sống. Các cây linh sam thì hấp thụ khí CO2 trong khí quyển và như vậy có ảnh hưởng tốt đến khí hậu. Tất cả đều liên hệ khăng khít với nhau. Để đáp ứng nhu cầu nhân loại ngày càng gia tăng, đất rừng đã bị chiếm để xây nhà và trồng trọt, chuyển đất rừng trồng cao su chẳng hạn, đưa hóa chất vào đất trồng quá mức… Với tốc độ phá hủy nơi cư trú như hiện nay thì mỗi năm thế giới sẽ có 25.000 loài bị tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Điều này có nghĩa chúng ta đang sống giữa thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử trái đất. Vì đảo lộn sự cân bằng tinh tế của hệ thống sinh thái toàn cầu mà các bệnh dịch mới có thể xuất hiện.
Các loài côn trùng thụ phấn có thể bị tuyệt diệt dẫn đến mùa màng thất bát. Hay như trường hợp công ty Thanh Thái ở Thanh Hóa hủy hoại môi trường bằng chất cực độc nhiều năm qua, các hệ quả có thể còn là những gì chúng ta không hề lường hết, cho đến khi mọi sự đã quá muộn. Thảm họa hủy diệt hệ sinh thái phải được cảnh báo trong đời sống của cả học sinh và mỗi người dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay818
  • Tháng hiện tại17,812
  • Tổng lượt truy cập2,361,130
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây