Diện tích rừng ngập mặn được trồng mới với tác dụng bồi cao nền đất, đã hình thành nên một “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa bão lũ, triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn ở Nga Sơn và Diễn Châu đều không bị sạt lở, góp phần phòng ngừa thảm họa thiên nhiên. Chân đê còn được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc hơn, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân nơi vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.
Quần xã thực vật ngập mặn tuy mới hồi phục trong vòng vài năm, những đã phát huy vai trò tích cực trong cải tạo môi trường và bảo vệ bờ biển. Mặc dù thành phần loài không nhiều, song vai trò của hệ thực vật rừng ngập mặn lại rất lớn. Cụ thể nhóm các cây làm thức ăn gia súc chiếm tới 65,4%, tiếp đến là nhóm cây sử dụng làm dược liệu chiếm 42,2%; tỉ lệ nhóm cây cho gỗ, củi và bảo vệ môi trường là ngang nhau.
Sau khi rừng được phục hồi, nhìn chung thành phần động vật đáy ở trong rừng ngập mặn tại Nga Sơn và Diễn Châu phong phú, đa dạng hơn về thành phần loài và nhiều hơn về số lượng cá thể hơn hẳn ở ngoài rừng. Trong đó có tới 76 loài động vật đáy thuộc 51 giống, 30 họ, 4 lớp. Lớp giáp xác có 38 loài; thân mềm chân bụng 18 loài; thân mềm 2 mảnh vỏ 16 loài. Có nhiều loài nhất là họ cua cát với 13 loài, tiếp đến là họ cua vuông 9 loài, những họ khác có từ 1-4 loài và có cả những giống loài sống ở vùng nước lợ. Các loài phân bố rộng như ốc dạ, cua vái trời, loài hến ưa nước ngọt... thể hiện tính đa dạng sinh học cao và là nguồn hải sản quý cho người dân địa phương. Nhờ nguồn lợi thủy sản gia tăng từ việc hình thành những cánh rừng ngập mặn, nên thu nhập của của người dân trong vùng cũng được tăng thêm. Theo kết quả điều tra, mỗi xã trung bình có đến 70 hộ thường xuyên đánh bắt cá, tôm, cua bằng cách thả đăng, lưới và thường là trong thời kỳ nông nhàn.
Ý kiến bạn đọc